Để chiếc bánh nông nghiệp lớn hơn

Nông dân nhiều nơi “ăn Tết lớn” nhờ vào lúa, sầu riêng. Điều này đã đóng góp vào thành tích ấn tượng của ngành nông nghiệp nước nhà. Thêm tin vui với Luật Đất đai mới thông qua, thêm hy vọng với nông nghiệp hiện đại hơn, khấm khá hơn.

Nhà nông không “đơn độc”

Về chế độ sử dụng đất đã cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với cá nhân, hạn mức được mở rộng lên không quá 15 lần so với Luật Đất đai năm 2013 (không quá 10 lần).

Cá nhân có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động sản xuất nông nghiệp có thể tập trung hoặc tích tụ quyền sử dụng diện tích đất lên đến gần 45ha.

Ngoài ra, luật cho phép các phương thức tích tụ đất nông nghiệp là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Phương thức tập trung đất nông nghiệp cũng được nêu cụ thể là dồn điền, đổi thửa, thuê quyền sử dụng đất, hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

Luật cũng bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…

Điều này còn góp phần khắc phục thực trạng những năm qua đầu ra nông nghiệp bấp bênh, cơ cấu cây trồng chưa phù hợp, khó làm ra sản phẩm với số lượng lớn và chất lượng đồng đều.

Doanh nghiệp có đầu mối tiêu thụ sản phẩm tiếp cận trực tiếp với nông dân, giảm giao dịch phụ thuộc thương lái, tạo vùng nguyên liệu lâu dài.

Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua đã tạo cơ hội tập trung, tích tụ đất nông nghiệp giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Thành phần có khả năng tập trung, tích tụ đất nông nghiệp hẳn là các doanh nghiệp, cá nhân có kinh nghiệm, có tài sản lớn huy động được vốn và cho thấy hiệu quả đầu tư.

Cần đòn bẩy chính sách

Hiện thực hóa chủ trương này đòi hỏi có chính sách cho nhà đầu tư thấy lợi ích thiết thực, ổn định lâu dài với quy mô phù hợp chi phí ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ.

Tổ chức lại mô hình sản xuất có liên kết với các đầu mối tiêu thụ thì mới đảm bảo đầu ra sản phẩm có giá cả ổn định.

Cần sớm xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn việc chuyển tiếp… Chính quyền địa phương có thể làm đầu mối định hướng phối hợp để có sự thống nhất cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro trong quá trình hợp tác phát triển, thúc đẩy lộ trình tích tụ đất nông nghiệp sao cho nhanh hơn, giúp người nông dân mạnh dạn hợp tác.

Chẳng hạn như hỗ trợ lãi suất, tăng vốn đầu tư, cơ chế liên kết hợp tác giữa chính quyền, nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp quy mô lớn có ứng dụng khoa học, công nghệ.

Chính quyền địa phương đứng ra ký hợp đồng trực tiếp thuê đất, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại (đúng giá đó) hay bảo lãnh cho doanh nghiệp ký hợp đồng thuê quyền sử dụng đất với nông dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Đa dạng hóa hình thức hợp tác, tùy điều kiện người nông dân có thể phối hợp với các doanh nghiệp để tập trung, tích tụ đất nông nghiệp theo hợp đồng hưởng lợi % năng suất trên diện tích đã đóng góp.

Người nông dân có thể chuyển nhượng quyền sử dụng khoảnh ruộng và chọn chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với điều kiện hoặc trở thành công nhân nông nghiệp làm việc cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp đó theo hướng nông nghiệp hiện đại.

Nguồn: Trần Văn Tường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo

0856555585